0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Vật liệu xây dựng mới cần một ''bảo lãnh'' uy tín

Công nghệ, vật liệu mới là một trong những mũi nhọn phát triển ngành xây dựng, nhận được nhiều khuyến khích của Nhà nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào những công trình cụ thể trong thực tế lại chưa tương xứng với kỳ vọng. Ở đây, cần sự chung tay vào cuộc của cả xã hội, sự kết hợp giữa nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà thiết kế. Bên cạnh đó, rất cần một “bảo lãnh” uy tín từ phía cơ quan có thẩm quyền cũng như các bên tham gia chuyển giao ứng dụng và thi công dự án để gạt qua những bỡ ngỡ bước đầu. Giải bài toán này, coi như chúng ta “cởi trói” cho ngành Xây dựng nước nhà. 

CNVL MỚI LÀ XU THẾ TẤT YẾU


Xu hướng sử dụng công nghệ, vật liệu mới đối với phân khúc nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội nay là một tất yếu. Một trong những giải pháp đầu tiên được tính đến ngay khi bắt tay vào thiết kế, xây dựng nhà ở phân khúc thu nhập thấp và nhà ở xã hội là tìm kiếm hoặc áp dụng các công nghệ xây dựng mới, hay sản xuất các vật liệu mới có giá thành hạ hơn so với các vật liệu thông thường đã quen thuộc trên thị trường (đã tạo ra mặt bằng giá chung) vì giá thành vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc cấu thành giá sản phẩm.


Bên cạnh đó, không chỉ với phân khúc nhà ở xã hội, thị trường vật liệu xây dựng cũng luôn đòi hỏi các nhà sản xuất luôn phải cung ứng ra thị trường những sản phẩm mới với giá thành hợp lý hơn mà chất lượng ít nhất phải tương đương với sản phẩm cùng loại do áp lực cạnh tranh của thị trường. 


Thông thường ở các nước phát triển, đây là một việc đòi hỏi nhiều công sức trong một chu trình khép kín từ: Nghiên cứu-Chế tạo-Ứng dụng-Cải tiến. Bản thân công nghệ và vật liệu mới cũng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Vật liệu mới đòi hỏi được sản xuất ra từ các công nghệ mới, sử dụng công nghệ mới để đưa vào xây dựng công trình. Ngược lại có những công nghệ xây dựng mới đòi hỏi vật liệu mới.


Về phương diện giá thành, tỷ trọng VLXD trên giá thành công trình luôn là lớn nhất. Khi đứng trước bài toán thiết kế, xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà thiết kế cần tìm ra giải pháp thiết kế kết cấu tiết kiệm nhất. Thông thường, kết cấu tiết kiệm vật liệu nhất là kết cấu đòi hỏi nhiều công nghệ nhất. Cụ thể là vật tư, vật liệu chi phí trên một mét vuông kết cấu phải giảm. Bên cạnh đó, các vật liệu hoàn thiện cũng cần rẻ hơn.


Giá thành kết cấu liên quan đến công nghệ xây dựng, vật liệu. Tuy vậy, những hướng dẫn của ngành hiện khuyến khích việc áp dụng những công nghệ và vật liệu thay thế theo hướng giảm giá thành, bền vững và thân thiện môi trường nhưng chỉ dừng lại ở chủ trương hỗ trợ, chưa có những giải pháp mang tính cụ thể. Nhiều nhà máy được đầu tư, công nghệ được chuyển giao, văn bản khuyến khích cũng có, nhưng cuối cùng vẫn chưa thể đưa được sản phẩm một cách rộng rãi vào công trình thực tế, bởi còn thiếu sự xúc tiến và chuẩn bị đầu ra cho các sản phẩm.


RẤT CẦN MỘT "BẢO LÃNH" UY TÍN


Với chủ đầu tư, rõ ràng khi tiếp cận công nghệ mới, để giải quyết bỡ ngỡ ban đầu, phải có những tuyên truyền hay sự "bảo lãnh" bởi các đơn vị chuyên môn có trách nhiệm, uy tín ví như các cơ quan quản lý ngành, trung tâm kiểm định chất lượng, Viện nghiên cứu... Đây là các đơn vị đứng ra làm “tín chấp” cho việc sử dụng này trên cơ sở đã kiểm tra đánh giá và kiểm định kỹ sản phẩm. Ví dụ với công tác xây dựng gạch không nung nhẹ thay thế cho gạch nung truyền thống, khi xảy ra nứt, vỡ hoặc công trình có sự cố ai chịu trách nhiệm? Viện nghiên cứu, hay cơ quan chức năng. Các cơ quan hữu trách cần ra một văn bản dạng tín chỉ, khẳng định nêu rõ chất lượng của sản phẩm này đạt chuẩn, tốt, khuyến cáo sử dụng và đảm bảo về chất lượng thay cho người sản xuất. Tránh tình trạng doanh nghiệp chuyển giao tự mày mò xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, chủ đầu tư cũng như “bơi trong biển” giữa hàng trăm luồng thông tin khác nhau.


Gạch không nung và nhà gạch truyền thống


Với nhà thầu, việc có thể giảm giá thành là rất hấp dẫn. Tuy nhiên, họ sẽ gặp nhiều vướng mắc về chuyển giao công nghệ, đào tạo công nhân và thay đổi thao tác. Nhà cung cấp, ngoài sản phẩm ra phải có cung cấp đầy đủ hướng dẫn - chỉ dẫn kỹ thuật và sẵn sàng hỗ trợ đào tạo công nhân cho nhà thầu mọi nội dung liên quan. Ngược lại, nhà thầu cũng phải sẵn sàng tinh thần đào tạo lại nhân công của mình. Do đó để triển khai đồng bộ thì nhà thầu cũng phải có ý thức đảm bảo uy tín và chất lượng cho mình bằng chính việc nâng cao năng lực thi công của đội ngũ công nhân, sử dụng phần lớn công nhân đào tạo bài bản và lành nghề cho các công nghệ thi công mới chuyên biệt nhằm thi công với chất lượng tốt nhất.


Với đơn vị thiết kế, vướng mắc đầu tiên thường gặp là về mặt tính toán. Các công nghệ vật liệu mới có nhiều tính năng chưa được kiểm định chính thức hoặc không nằm trong các tiêu chuẩn kỹ thuật của các Tiêu chuẩn Xây dựng hiện hành, tạo ra sự hạn chế cho các nhà thiết kế khi áp dụng. Việc sử dụng công nghệ vật liệu khi chưa có tiêu chuẩn, cơ sở xác nhận gây nên rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với các công trình vốn ngân sách. Thứ hai, hệ thống thiết kế không chỉ đơn giản là một đơn vị mà có rất nhiều bên liên quan, từ thiết kế đến thẩm định. Trường hợp KTS nhà thiết kế tin dùng sản phẩm mới, đưa vào thiết kế nhưng đến khâu thẩm định lại bị “nói không”. Bản thân cả KTS và những người thẩm định thiết kế cũng cần có một sự “bảo lãnh” rõ ràng dựa trên các quan điểm và luận cứ khoa học. KTS phải bảo đảm được tính chuyên môn và nắm bắt công nghệ mới bằng việc không chỉ tính toán và cân đối được các thông số kỹ thuật mà có thể lượng hóa được hầu hết các hiệu quả thực khác (kinh tế, vận hành, bảo dưỡng...), thuyết phục được đơn vị thẩm định và chủ đầu tư.


Tất cả những vướng mắc trên cho thấy, với việc sử dụng công nghệ - vật liệu mới, cả xã hội phải cùng vào cuộc. Trong đó, tiêu chuẩn thiết kế là vấn đề thứ nhất. Thứ hai là giá thành. Vật liệu mới chưa hề có mặt bằng giá, thậm chí có những vật liệu chỉ có một nhà sản xuất - cung cấp. Trong khi theo quy định về quản lý xây dựng cơ bản về công tác đấu thầu, việc lập đơn giá phải có hướng dẫn dựa trên cơ sở Thông báo giá của UBND tỉnh, hoặc phải lấy báo giá của ba đơn vị khác nhau... gây ra rất nhiều khó khăn vì không biết lấy ở đâu ra? Thế nên mới có tình trạng nhiều người dù biết sản phẩm tốt, thậm chí rẻ, nhưng vẫn lấy vật liệu cũ cho "lành" khi phê duyệt, dù có thể đắt hơn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở việc sử dụng, biện pháp thi công khi mức đơn giá ca máy, cần trục, máy xúc... vẫn giữ ở các định mức cũ, cũng không có đơn giá cho công đoạn sản xuất trước tại nhà máy. Tất cả phải là nội suy. Do đó, vô hình trung cả hệ thống đã kìm hãm sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung, công nghệ và vật liệu mới nói riêng. Quản lý của Việt Nam hiện là quản lý hành chính mà không quản lý theo trách nhiệm cá nhân, nên tạo ra nhiều bất cập. Nếu giao quyền và trách nhiệm cho “cá nhân” chịu trách nhiệm, chắc chắn ngành công nghệ VLXD sẽ được cởi trói và có những bước tiến vượt bậc.


Công nghệ mới với những ưu việt đã có, đã biết, tuy nhiên có dùng được không thì lại là một câu chuyện dài. Như vậy, bàn tay của cơ chế nên vươn tới chỗ nào? Cần xử lý những vướng mắc một cách cụ thể chứ không chỉ là chủ trương chung chung. Phải có những chế tài, quy định riêng (ví như cho phép rõ một số trường hợp dùng một báo giá) với điều kiện và cam kết riêng... Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản đi trước một bước để thống nhất khái niệm khoa học về CNVL xây dựng mới, tránh hiểu lầm giữa các chủ thể tham gia (chủ đầu tư - nhà thầu - cơ quan thẩm định). Vấn đề thủ tục đầu tư xây dựng công trình, xây dựng cơ bản, cần khoanh vùng xử lý, đặt một vùng riêng cho nó phát triển.


Thế giới đầu tư rất nhiều nguồn lực cho phát triển công nghệ - vật liệu mới. Việt Nam, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, vấn đề giá thành phải được ưu tiên hàng đầu với các hành động cụ thể. Mạnh dạn sử dụng các công nghệ và vật liệu mới nếu chúng đáp ứng được yêu cầu hạ giá thành. Giảm bớt các thủ tục phê duyệt, nới lỏng các căn cứ lập dự toán, căn cứ lập gói thầu, giao trách nhiệm cho các đơn vị thi công và cung ứng chịu trách nhiệm nếu họ cam kết về vấn đề giá thành cho các công nghệ và vật liệu mới. Khuyến khích các nhà đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu công nghệ mới một cách tổng thể và cụ thể. Ngoài các yếu tố khuyến khích ban đầu cho nhà đầu tư, cần có biện pháp cụ thể để đảm bảo đầu ra cho nhà sản xuất. Thực tế các chính sách chỉ thực sự đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư nếu họ đã tiêu thụ được sản phẩm.

KTS.Nguyễn Huy Khanh - Phó Tổng Giám đốc VNCC  

Nguồn ảnh: Phạm Tân

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 10/2012