Concrete and reinforced concrete structures - Design standard
Lời nói đầu
TCVN 5574: 2012 thay thế TCVN 5574:1991
TCVN 5574: 2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 356:2005 thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 5574: 2012 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP - TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ
Concrete and reinforced concrete structures - Design standard
1. Phạm vi áp dụng
1.1. Tiêu chuẩn này thay thế cho tiêu chuẩn TCXDVN 356:2005 .
1.2. Tiêu chuẩn này dùng để thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép của nhà và công trình có công năng khác nhau, làm việc dưới tác động có hệ thống của nhiệt độ trong phạm vi không cao hơn 50 0C và không thấp hơn âm 70 0C.
1.3. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép làm từ bê tông nặng, bê tông nhẹ, bê tông hạt nhỏ, bê tông tổ ong, bê tông rỗng cũng như bê tông tự ứng suất.
1.4. Những yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn này không áp dụng cho các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép các công trình thủy công, cầu, đường hầm giao thông, đường ống ngầm, mặt đường ô tô và đường sân bay; kết cấu xi măng lưới thép, cũng như không áp dụng cho các kết cấu làm từ bê tông có khối lượng thể tích trung bình nhỏ hơn 500 kg/m3 và lớn hơn 2500 kg/m3, bê tông Polymer, bê tông có chất kết dính vôi - xỉ và chất kết dính hỗn hợp (ngoại trừ trường hợp sử dụng các chất kết dính này trong bê tông tổ ong), bê tông dùng chất kết dính bằng thạch cao và chất kết dính đặc biệt, bê tông dùng cốt liệu hữu cơ đặc biệt, bê tông có độ rỗng lớn trong cấu trúc.
1.5. Khi thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép làm việc trong điều kiện đặc biệt (chịu tác động động đất, trong môi trường xâm thực mạnh, trong điều kiện độ ẩm cao, v.v…) phải tuân theo các yêu cầu bổ sung cho các kết cấu đó của các tiêu chuẩn tương ứng.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 197:2002, Kim loại. Phương pháp thử kéo.
TCVN 1651:2008, Thép cốt bê tông cán nóng.
TCVN 1691:1975, Mối hàn hồ quang điện bằng tay.
TCVN 2737:1995, Tải trọng và tác động. Tiêu chuẩn thiết kế.
TCVN 3118:1993, Bê tông nặng. Phương pháp xác định cường độ nén.
TCVN 3223:2000, Que hàn điện dùng cho thép các bon và thép hợp kim thấp.
TCVN 3909:2000, Que hàn điện dùng cho thép các bon và hợp kim thấp. Phương pháp thử.
TCVN 3909:2000, Que hàn điện dùng cho thép các bon và hợp kim thấp. Phương pháp thử.
TCVN 4612:1988, Hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng. Kết cấu bê tông cốt thép. Ký hiệu quy ước và thể hiện bản vẽ.
TCVN 5572:1991, Hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng. Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Bản vẽ thi công.
TCVN 5898:1995, Bản vẽ xây dựng và công trình dân dụng. Bản thống kê cốt thép.
TCVN 6084:1995 Bản vẽ nhà và công trình xây dựng. Ký hiệu cho cốt thép bê tông.
TCVN 6284:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực (Phần 1-5).
TCVN 6288:1997, Dây thép vuốt nguội để làm cốt bê tông và sản xuất lưới thép hàn làm cốt.
TCVN 9346:2012, Kết cấu bê tông cốt thép. Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển.
TCVN 9392:2012, Cốt thép trong bê tông. Hàn hồ quang.
3. Thuật ngữ, đơn vị đo và ký hiệu
3.1. Thuật ngữ
Tiêu chuẩn này sử dụng các đặc trưng vật liệu "cấp độ bền chịu nén của bê tông" và "cấp độ bền chịu kéo của bê tông" thay tương ứng cho "mác bê tông theo cường độ chịu nén" và "mác bê tông theo cường độ chịu kéo" đã dùng trong tiêu chuẩn TCVN 5574:1991
3.1.1. Cấp độ bền chịu nén của bê tông (Compressive strength of concrete)
Ký hiệu bằng chữ B, là giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu nén tức thời, tính bằng đơn vị MPa, với xác suất đảm bảo không dưới 95 %, xác định trên các mẫu lập phương kích thước tiêu chuẩn (150 mm x 150 mm x 150 mm) được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm nén ở tuổi 28 ngày.
3.1.2. Cấp độ bền chịu kéo của bê tông (Tensile strength of concrete)
Ký hiệu bằng chữ Bt, là giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu kéo tức thời, tính bằng đơn vị MPa, với xác suất đảm bảo không dưới 95%, xác định trên các mẫu kéo chuẩn được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm kéo ở tuổi 28 ngày.
3.1.3. Mác bê tông theo cường độ chịu nén (Concrete grade classified by compressive strength)
Ký hiệu bằng chữ M, là cường độ của bê tông, lấy bằng giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu nén tức thời, tính bằng đơn vị đềca niutơn trên centimét vuông (daN/cm2), xác định trên các mẫu lập phương kích thước tiêu chuẩn (150 mm x 150 mm x 150 mm) được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm nén ở tuổi 28 ngày.
3.1.4. Mác bê tông theo cường độ chịu kéo (Concrete grade classified by tensile strength)
Ký hiệu bằng chữ K, là cường độ của bê tông, lấy bằng giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu kéo tức thời, tính bằng đơn vị đềca niutơn trên centimét vuông (daN/cm2), xác định trên các mẫu thử kéo chuẩn được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm kéo ở tuổi 28 ngày.
Tương quan giữa cấp độ bền chịu nén (kéo) của bê tông và mác bê tông theo cường độ chịu nén (kéo) xem Phụ lục A.
3.1.5. Kết cấu bê tông (Concrete structure)
Là kết cấu làm từ bê tông không đặt cốt thép hoặc đặt cốt thép theo yêu cầu cấu tạo mà không kể đến trong tính toán. Trong kết cấu bê tông các nội lực tính toán do tất cả các tác động đều chịu bởi bê tông.
NHẤN TẢI XUỐNG ĐỂ XEM BẢN ĐẦY ĐỦ