0971.659.624 thuvienxaydungvn@gmail.com
Cầu vượt: Cần thiết kế như công trình kiến trúc đặc biệt
Cầu vượt không chỉ làm chức năng giao thông mà nó còn cần phải có kiến trúc cho phù hợp với bộ mặt kiến trúc đô thị, đặc biệt với các đô thị có tính đặc thù cao như Hà Nội hay TPHCM...

 

Tuy là một hạng mục công trình giao thông giải quyết các xung đột về giao cắt nhưng cầu vượt cũng là một bộ phận cấu thành nên cảnh quan đô thị. Chính vì vậy, cầu vượt cần được xem như là công trình kiến trúc. Chỉ có như vậy, kiến trúc cầu vượt mới thực sự tham gia và góp phần mạnh mẽ cho cảnh quan kiến trúc đô thị.

Các đô thị Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa sâu rộng diễn ra ở khắp mọi nơi. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cùng với một lượng dân cư lớn đã tập trung vào đô thị gây nên áp lực lớn lên tổng thể hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị Việt Nam. Nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra do lưu lượng giao thông tại các điểm nút giao thông quá lớn. Chính vì vậy, trong chiến lược cải tạo và nâng cấp hạ tầng đô thị, rất nhiều các giải pháp mang tính tình thế được lựa chọn, trong đó có cả việc quy hoạch thiết kế và đầu tư các nút giao thông cầu vượt tại các điểm nút giao cắt lớn trong vùng đô thị. Vì là vấn đề cấp bách ở hiện tại nên đa phần các nút cầu vượt được dự tính hiện nay mang tính chất xen. Nhưng về lâu dài, cần có những giải pháp đồng bộ để có được những thiết kế hợp lý, phù hợp với tình hình giao thông nước ta trong tương lai cũng như các điều kiện kinh tế xã hội, kiến trúc quy hoạch khác.

Xây dựng nút giao thông cầu vượt không dễ

Bắt nguồn từ các nước Âu Mỹ trong nửa đầu của thế kỷ trước. Ý tưởng chủ đạo của việc thiết kế nút giao thông cầu vượt là giảm thiểu các luồng giao thông đồng mức gây giao cắt xung đột với nhau, cản trở sự thông suốt của giao thông trên toàn tuyến. Theo các nghiên cứu, các điểm xung đột này chủ yếu hay xảy ra ở các vị trí giao cắt của các tuyến giao thông lớn trục của đô thị, có lưu lượng và mật độ giao thông cao như giữa đường vành đai và đường xuyên tâm, giữa các đại lộ hay đường cao tốc đô thị với nhau. Với ưu điểm là tổ chức lại các luồng giao thông gây xung đột đi lên cao hoặc đi ngầm xuống đất nhằm ưu tiên cho trục lộ giao thông còn lại nên đã hầu như không còn xảy ra những ách tắc.

Trên thế giới, các nhà thiết kế giao thông đô thị đã nghiên cứu ra rất nhiều mô hình tổ chức nút giao thông cầu vượt cho đô thị, trong đó mô hình Nút hoa thị hoàn chỉnh được coi là mô hình tối ưu nhất. Nhưng, nút giao thông kiểu này lại tốn rất nhiều diện tích đất. Khi yêu cầu cho các vận tốc tham gia nút cầu vượt càng cao thì yêu cầu về diện tích đất xây dựng càng lớn bấy nhiêu. Ví dụ như khi vận tốc xe trên nút giao thông tăng từ 40km/h đến 60 km/h thì yêu cầu diện tích đã tăng lên 5-6 lần so với bình thường do phải đảm bảo được bán kính cong hợp lý cho phương tiện cơ giới tốc độ cao. Từ đó, dẫn đến các mô hình nút giao thông cầu vượt hiện nay dường như đã đạt đến giới hạn bố trí để có thể cân bằng được với mức độ tiện nghi cũng như diện tích và giá thành xây dựng. “Với điều kiện kinh tế cũng như lưu lượng xe của nước ta hiện nay thì tổ chức và thiết kế nút dạng nào là hợp lý hơn cả luôn là một bài toán hóc búa và gần như còn chưa có lời giải đáp”.

Trong điều kiện ở các đô thị nước ta hiện nay, quy hoạch chưa đi trước một bước khiến cho việc thiết kế và quy hoạch các nút giao thông cầu vượt còn thiếu hợp lý. Có thể nhận thấy qua một số nút giao thông đã có ở Hà Nội. Cầu vượt tại nút giao thông Ngã Tư Vọng giao cắt giữa đường Trường Chinh và Giải Phóng có chiều dài khoảng 200m, chiều cao xấp xỉ 4m, kết cấu xây dựng chủ yếu bằng Bê tông cốt thép, trong đó có sử dụng kết cấu ứng suất trước. Sau khi xây dựng xong, với hình khối đồ sộ của mình, công trình này dường như áp đảo cảnh quan và kiến trúc đô thị của cả tuyến phố. Với chiều cao tương đương như một tòa nhà 2 tầng, chiếm hơn 50% lòng đường nên tầm nhìn của các công trình dân sinh 2 bên đường hầu như bị thu hẹp, giảm chất lượng sống của người dân. Hơn nữa, kiến trúc và kết cấu xây dựng mang tính cứng nhắc, thiếu những yếu tố mang tính đóng góp cho mỹ quan đô thị nên hầu như không thể tạo nên một ấn tượng thẩm mỹ tốt. Gầm cầu sử dụng các loại tấm chắn, lưới mắt cáo tự phát để tận dụng làm nơi trông xe khiến cảnh quan càng trở nên “tối hơn”.

Cầu vượt nút giao thông Mai Dịch thuộc điểm giao cắt của tuyến đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng cũng có quy mô tương tự. Tuy nhiên, công trình cũng chỉ mới đạt được các giá trị sử dụng là phân luồng giao thông, còn kiến trúc thì hầu như không có gì đột phá so với khuôn mẫu - cục mịch, đơn điệu và nặng nề. Sau khi đưa vào sử dụng, các phần không gian bên dưới của cầu vượt cũng bị tận dụng là nơi để xe nên cũng không tránh khỏi sự lộn xộn và nhếch nhác. Công trình cầu vượt nút giao thông Ngã Tư Sở trên trục Nguyễn Trãi - Tây Sơn có thể xem là được hơn cả. Có chiều dài 237m, rộng 17m, kết cấu bê tông ứng suất trước, công trình cũng được quy hoạch tương đối đồng bộ với cả hệ thống hầm vượt bộ hành 262m và hệ thống cây xanh, trang trí nhưng cũng mới chỉ dừng ở việc có đủ, còn tính tiện nghi và thẩm mỹ vẫn cần khắc phục nhiều.

DacBiet2.jpg

Phương án giải nhì thiết kế nút giao thông cầu vượt ngã 3 Huế - TP. Đà Nẵng. Đơn vị thiết kế: Công ty CP Đầu tư & TM tổng hợp - Bộ GTVT

Trong tương lai, sẽ có rất nhiều các nút giao thông tại khắp các đô thị trên cả nước được thiết kế và đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ quy hoạch thêm 12 nút giao thông cầu vượt mới. Thành phố Hà Nội cũng dự định đầu tư xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa trong trung tâm nội đô trên vành đai1. Đây là một nút giao thông có nhiều đặc thù bởi bên cạnh các giá trị sử dụng về giao thông, nút cầu vượt này còn nằm trong một tổng thể cảnh quan đô thị với rất nhiều các giá trị lịch sử văn hóa. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thời gian tới cũng sẽ làm chủ đầu tư 03 dự án gồm xây cầu vượt tại nút đường Lê Văn Lương - Láng, đường Láng Hạ - Thái Hà, đường Chùa Bộc - Tây Sơn. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Lê Văn Lương - đường Láng với tổng kinh phí dự kiến 228 tỷ đồng, với nút trực thông với cầu vượt theo hướng đường Lê Văn Lương - Láng Hạ cho 2 làn xe ô tô đi 2 chiều, chiều dài cầu 281m; mặt cắt ngang cầu 12m. Dự án cầu vượt tại nút giao đường Láng Hạ - đường Thái Hà có nút trực thông với cầu vượt theo hướng đường Láng Hạ cho 2 làn xe ô tô đi 2 chiều, cách nút Lê Văn Lương - vành đai 2 khoảng 800m, tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng. Dự án cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - đường Tây Sơn nhằm mở rộng tuyến đường Chùa Bộc tại góc Đông Bắc (góc đối diện Trường Đại học Thủy Lợi) với chiều dài cầu dự kiến 227m; mặt cắt ngang 7m, có tổng kinh phí hơn 179 tỷ đồng. Dự kiến, cả 3 dự án này sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư vào quý III/2011. Một công trình sắp sửa được xây dựng là nút giao Hòa Lạc (Đường Láng - Hòa Lạc).

Tương lai của cầu vượt đô thị là rất lớn, tuy nhiên khó khăn trước mắt còn rất nhiều. Một ví dụ thực tế là nút giao Ngã Tư Vọng khi đưa và khai thác vẫn xảy ra ách tắc giao thông bởi vì không giải quyết được triệt để sự xung đột giữa các dòng xe. Vấn đề nút giao trong thành phố với diện tích đất bị khống chế quả là một bài toán khó. Việc tổ chức các nút giao thông khác mức thường mang tính bị động dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thường cao gấp nhiều lần so với chi phí xây dựng.

Phương tiện di chuyển cũng là một đặc thù riêng mà các đô thị Việt Nam từ đó thiết kế nút giao thông cầu vượt cần có sự điều chỉnh khác so với các nguyên mẫu trên thế giới. Trong khi ở các nước tiên tiến, phương tiện giao thông đường bộ chủ yếu là ô tô thì ở Việt Nam lại chủ yếu là xe gắn máy. Đây là loại phương tiện cá nhân có tính cơ động cao, tốc độ di chuyển thấp nhưng hệ số an toàn thấp hơn, dễ gây ách tắc giao thông nên đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn về quy chuẩn tổ chức và phân luồng giao thông, đặc biệt là ở các nút giao thông lớn quan trọng.

Thêm vào đó hệ thống tiêu chuẩn thiết kế cho hạng mục này còn thiếu, nếu có cũng mới chỉ là một số hướng dẫn chung hay dự thảo. Tham khảo của quốc tế thường chỉ có quy chuẩn cho phương tiện cơ giới là ô tô, và còn chưa đồng bộ dẫn đến cái thiếu vẫn thiếu, cái thừa vẫn thừa. Một tín hiệu rất tốt là ngày 16/07/2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 23/2009/TT-BXD về việc thi tuyển kiến trúc công trình xây dựng. Theo đó, các công trình công cộng có quy mô lớn và công trình có kiến trúc đặc thù sẽ phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc trong đó có cả hạng mục cầu vượt trong đô thị. Như vậy phần nào cũng cho thấy được vai trò của cầu vượt không chỉ quan trọng đối với giao thông đô thị mà còn cả với kiến trúc cảnh quan đô thị.

Cầu vượt còn chưa được xem như một công trình kiến trúc dẫn đến kiến trúc cầu vượt còn đơn điệu, nặng về yếu tố sử dụng, thiếu “có lựa chọn” công nghệ mới và vật liệu mới, thiếu hệ thống thiết bị đô thị hiện đại. Trong tổ chức không gian kiến trúc của đô thị, sự xuất hiện của những cây cầu vượt kể trên đã phá vỡ tính ổn định, tương đối đồng nhất về kiến trúc trước đó. Đặc biệt là thiếu những quy hoạch kết nối mang tính tổng thể và dài hạn để cầu vượt trong tương lai không chỉ là bộ phận làm đẹp cho cảnh quan đô thị mà còn là một công trình đầu mối kết nối được với tất cả các hệ thống giao thông hiện đại của đô thị như đường bộ trên cao, đường sắt trên cao, hầm bộ hành, cầu bộ hành, bến xe buýt... Cũng cần có các cuộc thi thiết kế kiến trúc cho cầu vượt được tổ chức mang tính mở rộng rãi để không chỉ những người thiết kế cầu và giao thông tham dự mà cả các KTS và những người làm mỹ thuật văn hóa cùng tham gia. Từ đó có được những phương án thiết kế không chỉ hiện đại thuận tiện mà tiến tới còn phải đạt được tính kiến trúc văn hóa và mỹ thuật cao.

 Mô hình nào cho cầu vượt ở Việt Nam?

Từ thực tiễn hiện nay, vấn đề luôn được đặt ra là cần có mô hình cụ thể cho việc thiết kế và xây dựng các cầu vượt ở Việt Nam. Hiện tại đã có một số cây cầu vượt cũng được xây dựng tại một số các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hay sắp tới sẽ là Đà Nẵng, Cần Thơ... như là một sự thử nghiệm ban đầu.

Thành phố Đà Nẵng vừa qua đã vừa tổ chức phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc cho nút giao thông cầu vượt tại Ngã ba Huế - Thành phố Đà Nẵng. Có 7 đơn vị tư vấn đến từ Phần Lan, Trung Quốc, Việt Nam với hơn 18 phương án kiến trúc tham gia dự tuyển. Cuộc thi tuy không có giải Nhất, chỉ có đồng giải Nhì nhưng cũng là một trong những công trình cầu vượt đầu tiên được xem xét và lựa chọn phương án với rất nhiều tiêu chí thỏa mãn không chỉ về giao thông mà cả về vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan.

DacBiet3.jpg

              Sơ đồ chức nút cầu vượt tại các thành phố trên thế giới

Trong tương lai, cần có những đơn vị chuyên môn đề xuất các thiết kế điển hình cho các nút giao thông cầu vượt nghiên cứu cho các kiểu vùng đô thị khác nhau như khu trung tâm lõi đô thi, đường cao tốc, đường vành đai... với các hình thức kiến trúc, ứng dụng các loại vật liệu công nghệ hiện đại khác nhau. Cầu vượt ở Việt Nam hiện chủ yếu thi công dựa trên kết cấu bê tông cốt thép. Trên thế giới đã có rất nhiều những kết cấu hiện đại hơn được ứng dụng cho cầu vượt như kết cấu thép + sàn dây văng, kết cấu treo dự ứng lực kèm theo đó là những hình thức thiết kế khác nhau. Không nhất thiết cứ phải xây dựng bằng các kết cấu quá bền vững. Với các vùng đô thị đặc biệt, trong những chiến lược tạm thời ngắn hạn, cũng có thể tập trung thiết kế và thi công những cây cầu vượt mang tính chất giải quyết nhu cầu trước mắt bằng các kết cấu và vật liệu cơ động hơn như kết cấu thép, có thể di chuyển sau khi vấn đề đã được giải quyết đến nơi khác khi cần trong tương lai. Như vậy, tiết kiệm được nhiều hơn nguồn kinh phí cho xã hội.

Kiến trúc cầu vượt về cơ bản cũng không có quá nhiều bộ phận cấu thành. Những yếu tố có thể tạo nên “điểm nhấn” là: hệ thống đèn chiếu sáng, kiểu dáng lan can cầu, hệ thống cây xanh xhung quanh chân cầu, “trang điểm” mố cầu... rất cần đổi mới. Cầu vượt có vị trí nằm giữa nút giao thông nên cũng có thể coi là một kiểu tượng đài trong đô thị. Do vậy có thể kết hợp với một số hình thức nghệ thuật thể hiện khác như điêu khắc, chiếu sáng nghệ thuật, Visual Art để công trình mang tính biểu cảm nhiều hơn. Với mỗi mô hình cầu vượt, cần có một thiết kế quy hoạch tổng thể trong đó định vị được một số các giá trị cơ bản về giao thông, kiến trúc và cảnh quan đô thị. Bao gồm hệ thống đường dẫn, hệ thống cây xanh trang trí hệ thống hầm đi bộ, hệ thống chuyển tiếp giữa các hệ thống giao thông đồng mức và khác nhau.

Mỗi hệ thống nút giao thông cầu vượt cần được quy hoạch không chỉ là một nút giao thông đơn thuần mà phải là một công trình đầu mối kết nối các hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đa tuyến và đa cấp. Như ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc giải quyết bằng cách làm cầu vượt kết hợp với đường gom 2 bên, cầu vượt đa tầng hoặc hệ thống cầu vượt kết hợp với hầm chui. Với một số mô hình đặc thù, trong quy hoạch không gian có thể quy hoạch và tính đến việc bố trí kết hợp cả các tiện tích công cộng như nhà hàng, bãi đỗ xe với các giải mang tính chủ động và kết nối đảm bảo được hiệu quả thẩm mỹ cao. Cũng cần chú ý đến xu hướng phát triển đô thị tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới để làm bài học cho công tác hoạch định chiến lược xây dựng nút giao thông cầu vượt ở Việt Nam. Trong khi một số các nước đang phát triển ở châu Á hào hứng xây dựng các nút giao thông cầu vượt thì ở một số nước phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan do giao thông công cộng đã hoàn chỉnh, đang dần có xu hướng phá bỏ cầu vượt, khôi phục cảnh quan ban đầu.

Rất cần có một tư tuy thiết kế đúng đắn dựa trên những phương pháp luận và khái niệm cơ bản. Trong quan niệm thiết kế, cần coi cầu vượt là một hạng mục dân sinh thiết yếu và là một bộ phận cấu thành nên kiến trúc cảnh quan đô thị, cần tìm giải pháp để công trình có thể hòa hợp với văn hóa kiến trúc và xã hội mới là các yêu cầu chính. Thêm vào đó, một tư duy về phát triển xã hội cũng sẽ là kim chỉ nam cho việc thiết kế nên các công trình cầu vượt cho các nút giao thông đô thị.

KTS Hoàng Minh Thành

Nguồn tin: Kiến Việt