Những con số biết nói
Giao thông tĩnh, được hiểu là các bến bãi, các điểm đỗ xe công cộng. Trong những năm qua, mạng lưới này luôn trong tình trạng thiếu và yếu, trở thành một trong những bài toán gây nhức nhối cho toàn ngành giao thông.
Trong một bài viết của mình, PGS, TS. Nguyễn Hồng Tiến (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) đã đưa ra những con số "đau đầu”. Hiện, ở Hà Nội có gần 160.000 xe ô tô các loại, khoảng 1,5 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, xích lô. Trong khi, chỉ có khoảng 134 điểm đỗ xe với tổng diện tích khoảng 258.890m2, cho phép đỗ trên 7.000 xe, trong đó 7 bến đỗ xe trong khuôn viên được xây dựng theo quy hoạch ổn định, với tổng diện tích là 185.250m2, chứa khoảng 2.800 xe. 127 điểm đỗ xe trên hè phố, đất lưu không với diện tích 73.639m2, chứa khoảng 4.500 xe. Khoảng 15 bến, bãi đỗ xe khách nội tỉnh và xe khách liên tỉnh với quy mô 1,15 ha. Ngoài ra, có khoảng 150 điểm trông giữ xe của các cơ quan tận dụng các diện tích như sân trường, bệnh viện, hầm ngầm của các khách sạn lớn, nhà chung cư... Như vậy, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ chiếm khoảng 0,72% quỹ đất xây dựng đô thị (5.676 ha), nếu tính cho đất nội thị (8.438 ha) thì chỉ chiếm 0,48%.
Không có bãi đỗ xe, người dân đành để xe trên vỉa hè, điều này làm đô thị nhếch nhác hơn.
Điểm đỗ thiếu, nhưng nhu cầu của người dân lại ngày một tăng. Có cầu ắt có cung, vì mục đích kinh doanh, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng nảy sinh những bãi trông giữ xe tự phát, gây nên nhiều hiện tượng tiêu cực như thu phí vô tội vạ, bãi trông giữ thiếu quy củ, mất cắp, lộn xộn, xe để tràn lan bên lề đường, lấn chiếm vỉa hè, dễ gây tắc nghẽn và tai nạn giao thông. Trước đó, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức cuối tháng 5-2011, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an thành phố cũng cho biết, hầu hết các điểm trông giữ xe được kiểm tra đều có vi phạm như hoạt động không phép, thu phí cao hơn quy định... Trên địa bàn 10 quận của Hà Nội hiện có 1.055 điểm trông giữ xe, trong đó có tới 309 điểm tự phát.
Những bãi đỗ xe đúng quy định, an toàn trở lên xa vời với người dân.
Đâu là giải pháp?
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đều dành khoảng 15%-25% diện tích đất xây dựng đô thị cho giao thông động, 3%-5% cho giao thông tĩnh. Trong khi đó, ở nước ta, giao thông động chỉ chiếm từ 6%-7%, còn giao thông tĩnh chưa đạt tới 1% diện tích đất xây dựng. Mô hình chung được nhiều nước áp dụng từ khá sớm để giải quyết tình trạng tăng số lượng xe có thể đỗ trên diện tích nhỏ là việc xây dựng những bãi đỗ xe tự động nhiều tầng. Song ở nước ta, việc xây dựng các bãi đỗ xe này vẫn mới chỉ là dự kiến.
Hà Nội cần xây dựng nhiều bãi đỗ xe có quy mô lớn.
Theo dự thảo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 của Sở Giao thông vận tải, Hà Nội sẽ dành quỹ đất xây dựng các bến, bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, tại các điểm trung chuyển, các nút giao thông đầu mối, phát triển giao thông tĩnh. Các điểm này tập trung chủ yếu ngoài khu vực đường vành đai 2 và ngoài vành đai 3. Hà Nội cũng dự kiến xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô, áp dụng công nghệ tiên tiến thế giới để giải quyết nhanh tình trạng thiếu bến, bãi đỗ xe. Đầu tư phát triển nhanh các bãi đỗ xe, bến xe theo quy hoạch trên địa bàn Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ, Sơn Tây, Sóc Sơn, Hà Đông...
Bãi đỗ xe cao tầng sẽ phục vụ đủ nhu cầu của người dân.
Chiều 8-9, Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chủ trì cuộc họp về tăng cường phối hợp trong lĩnh vực giao thông vận tải của thành phố. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ cùng TP Hà Nội phối hợp đề ra những giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong phát triển mạng lưới giao thông vận tải. Thế nhưng, việc xây dựng và quy hoạch giao thông vẫn có thể vấp phải khó khăn trong quá trình triển khai. Trong khi đó, mỗi tháng, Công an thành phố lại cấp đăng ký mới cho 30.000 xe máy và 3.000 ô tô. Thêm nữa, đối với các địa điểm trông giữ xe, TP Hà Nội cũng từng có nhiều đợt ra quân để xử lý vi phạm, song dường như chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Bởi vậy, cho dù đã có các giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng trên song ý thức giao thông của người dân chưa thay đổi thì có lẽ, việc phải sống chung với cảnh ùn tắc, thiếu các điểm trông giữ xe công cộng vẫn sẽ diễn ra trong một thời gian khá dài.