Không gian kiến trúc là thành tố quan trọng để tạo dựng bản sắc và diện mạo cho đô thị. Vì vậy, quản lý không gian này thế nào luôn là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý thành phố.
Trước việc Hà Nội, TP.HCM có nhiều biến động về không gian kiến trúc, với sức hút đầu tư lớn, việc giữ gìn bản sắc kiến trúc của khu hiện hữu và kiến tạo diện mạo đô thị dọc các tuyến giao thông huyết mạch mới đang được đặt ra. Việc này đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý đầy đủ và khoa học, để vừa đảm bảo định hướng chung của thành phố, vừa có tính đặc trưng phù hợp với từng khu vực, để phục vụ việc quản lý phát triển kiến trúc đô thị theo hướng bền vững.
Kiến trúc góp phần quan trọng trong việc tạo nên bộ mặt và bản sắc của đô thị. Do đó, thành phố đã triển khai thực hiện lập thiết kế đô thị và xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị đối với các khu vực này, đặc biệt là khu vực trung tâm của thành phố.
Đề xuất bước đầu một số nguyên tắc trong thiết kế và quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Một góc TP HCM
Qua nhìn nhận, tổng kết một số thực hành và sáng kiến kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn TP.HCM trong thời gian vừa qua, Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhận thấy trong thiết kế và quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị có 1 số nguyên tắc sơ bộ như sau:
Về tổ chức không gian kiến trúc đô thị:
Ở khía cạnh môi trường, đó là nguyên tắc thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng tôn trọng và thân thiện với thiên nhiên, tận dụng tối đa lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường thiên nhiên: Đặc biệt bảo vệ và tận dụng mạng lưới sông rạch đặc trưng ở thành phố, sử dụng hiệu quả ánh sáng mặt trời, gió tự nhiên…
Trong quy hoạch thiết kế các khu chức năng của đô thị, nên nghiên cứu tích hợp các giải pháp quy hoạch – kiến trúc với giải pháp kỹ thuật hạ tầng đô thị; chẳng hạn như giải quyết kết hợp cảnh quan và thoát nước đô thị bằng hệ thống hồ cảnh quan vận hành như hồ điều tiết, mảng xanh thấm nước mưa, bổ sung nước ngầm…
Ở khía cạnh văn hóa – xã hội, cần tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị thành phố qua việc xác định và phát huy các giá trị đặc thù như: mặt nước (sông Sài Gòn, hệ thống kênh rạch), các khu lõi đô thị cũ với những công trình mang giá trị lịch sử - văn hóa đan xen kiến trúc mới thể hiện quá trình phát triển…
Chẳng hạn như, ngoài việc khai thác mặt nước, không gian đi bộ hai bên đường sông là con đường thể dục buổi sáng của cư dân, là nơi gặp gỡ giao lưu của các thế hệ. Trong những ngày lễ hội, không gian bờ sông trở thành không gian lễ hội, là nơi bắn pháo hoa, là tổ chức các trò chơi và tổ chức các sân khấu gắn liền với nước. Cây cầu để gắn liền không gian hai bên bờ không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện để thể hiện thẩm mỹ đô thị với kiến trúc riêng của nó.
Kết hợp cảnh quan, thoát nước đô thị bằng hệ thống hồ cảnh quan vận hành
Cần có chiến lược gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đô thị như bảo vệ và khai thác có hiệu quả những công trình kiến trúc có giá trị bảo tồn; tạo lập những không gian đường phố thân thiện, gần gũi với tập quán sinh hoạt của người dân thành phố (dãy phố, vỉa hè, cây xanh…); thúc đẩy không gian công cộng gắn kết với các hoạtđộng người dân đô thị (các công viên, vườn hoa…).
Ở khía cạnh kinh tế, việc quy hoạch đô thị tập trung khai thác hợp lý các quỹ đất theo hướng tập trung, tránh dàn trải, khai thác tối ưu hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị (ưu tiên mật độ nén cao); từ đó dành quỹ đất tự nhiên (chưa khai thác) để dành cho môi trường đô thị và dự trữ cho khả năng phát triển đô thị trong tương lai.
Trong công tác quản lý kiến trúc đô thị, các nguyên tắc trên cần được tổng hợp và pháp lý hóa thành các quy định chung của thành phố về quy hoạch – kiến trúc, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (theo hướng dẫn tại Nghị định 38 nêu trên); đối với các khu vực đặc thù cần xây dựng các quy chế riêng đến từng ô phố, lô đất để làm cơ sở hướng dẫn và kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng trong khu vực.
Về giải pháp kiến trúc và kỹ thuật công trình:
Nguyên tắc cơ bản là áp dụng những nguyên tắc thiết kế truyền thống phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm từ những công trình có quy mô nhỏ (ví dụ các giải pháp sử dụng mái hiên, lá chớp, mành che…) đến quy mô lớn hơn (như sử dụng cấu trúc vỏ 2 lớp…), đồng thời giải pháp tổ chức không gian, dây chuyền chức năng phù hợp tập quán sinh hoạt của người Việt Nam.
Đặt trong tổng thể khu vực, cần chú ý nghiên cứu hình khối, tỷ lệ công trình phù hợp không gian đô thị đặc thù của thành phố. Ví dụ như công trình Diamond Plaza với khối tháp kính lồi sâu phía trong, khối bệ công trình 4 tầng, kiến trúc cổ điển bằng vật liệu đá trắng, gần gũi với không gian thấp tầng quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, thân thiện với người đi bộ….
Công trình Diamond Plaza
Trong giải pháp kỹ thuật công trình, cần tiến tới áp dụng đầy đủ Quy chuẩn xây dựng VN về công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, thí điểm áp dụng hệ thống chỉ số “công trình xanh” đối với các công trình công cộng, thương mại có quy mô lớn (như hệ thống Lotus, đang được nghiên cứu áp dụng đối với công trình trụ sở Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM).
Về góc độ quản lý đối với giải pháp kiến trúc và kỹ thuật công trình, song song với việc kiểm soát bằng các quy định pháp lý, cần xây dựng các dạng “Sổ tay hướng dẫn” để cung cấp cho các kiến trúc sư, kỹ sư, người dân và nhà đầu tư, nhằm tăng cường nhận thức và khuyến khích các thực hành kiến trúc vừa bền vững về môi trường (hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường) và cả về kinh tế - xã hội (như tiết kiệm chi phí vận hành, phù hợp tập quán lối sống của người dân…).
____________
Theo SQHKT