Trong nhiều năm qua, có một số đô thị trên thế giới đã thu hút nhiều khách du lịch và ai đã từng qua đây lại muốn ước giá mà nơi ở của mình cũng được như vậy.
Venice là một đô thị được thiết kế thân thiện với người dân (ảnh Shagun Dhiman)
Quy hoạch phố đi bộ
Venice là một đô thị được thiết kế nhằm phát triển mạnh đời sống cộng đồng cũng như cá nhân, một thành phố thân thiện với người dân.
Venice thơ mộng (ảnh Chris Owen)
Với tình trạng dân số bùng nổ như hiện nay khi 66% số người dân toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050, một thành phố thân thiện với người dân là điều vô cùng quan trọng.
Theo ý kiến của các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, một quy hoạch như vậy sẽ gặp thất bại và không thể làm cho đô thị trở nên lành mạnh, an toàn và bền vững. Đã đến lúc các nhà quản lý phải nghĩ tới những yếu tố sau đây:
Chấm dứt kiểu “quy hoạch cơi nới”
Trong suốt bao năm qua, hầu hết các nhà quy hoạch trên thế giới lập ra các quy hoạch mà trong đó buộc người dân phải sống nhiều thời gian trong các tòa nhà văn phòng, trong phương tiện giao thông. Quy hoạch này đã không chú trọng đến việc tạo ra nhiều khu vui chơi giải trí để người dân tham gia các hoạt động ngoài trời.
Hầu như các đô thị lớn đều ngập trong những tòa nhà cao tầng, đường cao tốc, tàu điện ngầm...mà không thể có một môi trường sống như trường hợp của đô thị Venice.
Bao năm qua, xây dựng tập trung vào phát triển nhiều dự án ở những khu vực ngoại ô rộng lớn, những khu đô thị vệ tinh nằm ven các trung tâm và hướng tới những dự án giao thông để phục vụ cho sự di chuyển của những khu vệ tinh này. Họ cho rằng như thế là hợp lý bởi người dân di chuyển bằng các phương tiện giao thông thuận tiện.
Điều đó có phần nào hợp lý về mặt phát triển mở rộng không gian nhưng thực tế cho thấy kiểu quy hoạch này trở nên rất tệ cho sức khỏe người dân. Quy hoạch như thế làm cho người ta phụ thuộc vào xe cơ giới, bị tù túng trong các tòa nhà cao ốc ngút ngàn mà không có cơ hội tận hưởng thiên nhiên.
Nghiên cứu cho thấy những người sống ở ngay tại trung tâm đô thị có tuổi thọ cao hơn những người sống tại các khu đô thị ven trung tâm. Bởi vì những người ở trung tâm đô thị ít phải di chuyển hơn trong các xe cơ giới bó hẹp, họ đi bộ nhiều hơn trong khi người dân sống ở ngoại vi lại đi xe nhiều hơn. Việc di chuyển trong xe làm cho họ không có cơ hội để đi bộ và thưởng ngoạn thiên nhiên.
Quy hoạch thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng
Năm 2009, Copenhagen của Đan Mạch phát động chiến dịch biến thành phố thành nơi đáng sống nhất trên thế giới. Quy hoạch hướng tới người dân buộc họ phải bước ra khỏi nhà, khỏi văn phòng và khỏi chiếc xe hơi nhiều hơn. Việc đi bộ quanh thành phố, thăm quan những khu vực công cộng sẽ cải thiện được đời sống cộng đồng trong xã hội.
Với chiến lược này, người dân bảo vệ được môi trường khi tiêu tốn ít điều hòa và xăng xe hơn; gắn kết với cộng đồng hơn; có sức khỏe tốt hơn; thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Một quy hoạch lý tưởng là dựa trên các giác quan của con người và tạo những trải nghiệm tối đa cho người dân. Quy hoạch phải làm sao tạo ra đô thị kiểu như Venice, nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ cảm giác mới lạ từ môi trường sống.
Quy hoạch “cấm xe hơi”
Quy hoạch nên hướng tới việc loại bỏ xe hơi và sử dụng những phương tiện giao thông khác. Việc quá chú trọng vào dòng xe tự động hay xe điện hay những sản phẩm tương tự chỉ có lợi cho ngành ô tô mà chẳng lợi ích gì cho đời sống người dân.
Trường hợp của Singapore cho thấy xe hơi không phải là lựa chọn tốt nhất cho quy hoạch những thành phố lớn. Khi diện tích đất đã hết và không có chỗ cho xe hơi. Thay vào đó, đi bộ và xe đạp lại là những giải pháp hữu hiệu hơn cả.
Như vậy, để trở thành một đô thị sống tốt, thân thiện môi trường những nhà quản lý đô thị, kiến trúc sư và những tổ chức liên quan phải lấy trọng tâm là người dân của tư tưởng thiết kế và phát triển đô thị thay vì tập trung quy hoạch theo kiểu vì nhu cầu của “xe cơ giới”. Nghĩa là cần xoay quanh vào giải pháp nhu cầu của con người chứ không phải quy hoạch để sao cho đô thị chứa được càng nhiều xe càng tốt, có nhiều chỗ đỗ xe, chứa được nhiều người...
Ai cũng nên tập thói quen đi bộ
Đi bộ có tác dụng lớn cho sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyên rằng mỗi người nên tự ý thức xem việc đi bộ là quan trọng cho sức khỏe, vừa tạo thú vui, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân cao tuổi, đi bộ không những tốt cho sức khỏe mà còn ngừa được nhiều bệnh. Thường xuyên đi bộ, chăm luyện tập thể dục sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật tốt.
Người trẻ nên tập thói quen đi bộ càng sớm càng sớm càng tốt. Mới đầu nên đi chậm và gần, dần dần đi nhanh và xa hơn. Bạn nên cố gắng tập đi bộ đều đặn, không nên bỏ cách quãng lâu, như vậy mới mong có được tác dụng như ý muốn.
Nên tập thói quen đi bộ (ảnh minh họa)
Bởi vì đi bộ mang lại cho ta cảm giác khỏe khoắn dễ chịu, phổi được làm việc nhiều hơn, thở mau và sâu hơn, máu được hấp thu nhiều dưỡng khí và các tế bào được đón nhận nhiều dưỡng khí đến hơn. Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, tim, phổi, cao huyết áp, thừa cholesterol... thì cường độ, tốc độ đi bộ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sức của mỗi người.
Đi bộ kết hợp tập thở, thở chậm và sâu theo nhịp đi. Luyện tập đều đặn như vậy theo thời gian sẽ cảm thấy người khỏe ra, đi được nhiều hơn, xa hơn, da dẻ sẽ hồng hào hơn.
Những người đi bộ xương đùi, xương cẳng chân sẽ cứng cáp hơn, tỷ lệ gãy cổ xương đùi giảm hẳn so với những người không tập đi bộ. Phụ nữ tuổi mãn kinh, tỷ lệ bị bệnh loãng xương cao, nếu đi bộ thường xuyên xương sẽ chắc hơn.
Đi bộ sẽ giúp gân cốt của người già chắc hơn, đi lại chắc chắn hơn, ít bị ngã do giữ được thăng bằng tốt hơn. Ngoài ra hoạt động thể thao giúp cho tinh thần thanh thản, bệnh trầm cảm và chứng lo âu cũng nhờ đó mà giảm đi nhiều. Đi bộ cùng với hít thở làm cho trí tuệ minh mẫn hơn vì não nhận được nhiều dưỡng khí hơn, giấc ngủ sẽ tới dễ dàng hơn và ngủ cũng sâu giấc hơn.
Tuy nhiên, để việc đi bộ được thuận lợi dễ dàng, điều đó lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tiên quyết: đó là phải quy hoạch sao để người dân có thể yêu thích, thuận tiện và xem việc đi bộ như một sự tự nguyện, vui vẻ. Câu trả lời xin dành cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị!
BQT xin gửi tới các bạn bộ tài liệu Nghiên cứu giải pháp phát triển giao thông công cộng theo mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố Hà Nội. tại địa chỉ: https://thuvienxaydung.net/document/luan-van/luan-van-thac-sy-ky-thuat-co-so-ha-tang-nghien-cuu-giai-phap-phat-trien-giao-thong-cong-cong-theo-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-thanh-pho-ha-noi.html
Xin mời các bạn đón đọc!